Nếu được hỏi “bạn có sẵn sàng nhận một cục tiền bồi thường, rồi nghỉ ngơi một vài tháng trước khi bước vào một công việc mới hay không?” thì e rằng 90/100 người lao động được hỏi sẽ vội vàng gật đầu đồng ý. Và đó chính xác là những gì mà các HLV “tội nghiệp” phải đối mặt mỗi khi bị sa thải…
HLV Andre Villas-Boas |
Trong thời buổi mà bóng đá đang bị thương mại hóa một cách cao độ như hiện nay thì áp lực thành tích đối với các CLB là rất lớn và điều rõ ràng là các ông chủ ở giải Ngoại hạng đang trở nên ngày càng kém kiên nhẫn hơn (họ không nóng vội cũng không được, bởi một tấm vé ở lại Premier League có thể có giá trị tới 60 triệu bảng và dự Champions League sẽ mang lại thêm 30 triệu). Một HLV vừa giành chức VĐ Premier League vẫn có thể bị sa thải chỉ sau chưa đầy 12 tháng (Carlo Ancelotti ở Chelsea, Roberto Mancini ở Man City) còn “thuyền trưởng” của những đội bóng nằm trong nhóm xuống hạng thì hiếm khi có thể kết thúc mùa giải một cách trọn vẹn. Đếm sơ sơ, chỉ trong vòng 17 năm trở lại đây (kể từ khi Wenger trở thành HLV trưởng Arsenal) đã có hơn 800 HLV ở 4 hạng đấu chuyên nghiệp của Anh (Premier League, Championship, League One, League Two) mất ghế, tức bình quân gần 50 người/mùa. Vậy thì HLV là một nghề quá nguy hiểm chứ còn gì nữa? Có lẽ chỉ trừ những tượng đài cỡ Sir Alex Ferguson hay Wenger, chẳng ai dám nói chắc về chiếc ghế của mình và kể cả Jose Mourinho cũng có thể mất việc chỉ sau một chuỗi 5-7 trận đấu không như ý, mà cuộc chia tay Chelsea vào tháng 9/2007 – khi Premier League mới trôi qua 6 vòng – là một điển hình.
Ngồi chơi hưởng lương cao
Tuy nhiên – đúng với quy luật “rủi ro cao, lợi nhuận cao” trong thị trường tài chính, để bù đắp cho những rủi ro về mặt nghề nghiệp thì thu nhập của giới HLV cũng không tệ chút nào. Những Mourinho, Wenger, Pellegrini… được hưởng lương từ 5-8 triệu bảng/năm, tức cao không kém gì các cầu thủ hàng đầu. Quan trọng hơn, nếu không may bị sa thải thì – trong phần lớn các trường hợp - họ vẫn có thể ung dung ngồi hưởng lương (như Roberto Di Matteo, người đang đều đặn nhận 130.000 bảng/tuần từ Chelsea cho đến hè 2014) hoặc đút túi một khoản tiền bồi thường kếch xù.
Giữa mùa 2011/12, Villas-Boas từng được Chelsea bồi thường tới 12 triệu bảng khi nhận quyết định sa thải, và mặc dù phải từ bỏ bớt một phần trong số đó vì đã có công việc mới ở Tottenham thì ông này lại vừa kiếm được thêm 4 triệu bảng tiền bồi thường nữa từ đội chủ sân White Hart Lane. Nhìn rộng ra thì kể từ tháng 9/1996 đến nay, tổng số tiền bồi thường mà các CLB chuyên nghiệp ở Anh phải bỏ ra cho việc sa thải HLV đã lên tới 420 triệu bảng, nghĩa là bình quân mỗi người nhận được khoảng 500.000 bảng (tương đương với khoảng 20 năm lương của một người lao động bình thường) và chắc chắn là nỗi buồn mất việc của họ đã vơi đi đáng kể. Sau khi mất việc, Luiz Felipe Scolari còn được Chelsea nhét vào túi tới 12,6 triệu bảng chỉ sau có 36 trận cầm quân, tức trung bình mỗi lần chỉ đạo của ông có giá gần 400.000 bảng – một kỷ lục.
HLV Luiz Felipe Scolari bỏ túi khoảng 400.000 bảng/trận khi còn dẫn dắt CLB Chelsea |
Ngoài ra, nếu xét trong tương quan với sức lao động mà họ bỏ ra thì giá trị của các món bồi thường nêu trên còn lớn hơn nhiều so với con số trên danh nghĩa. Đơn cử như trường hợp của Di Matteo, nếu ông này vẫn còn làm việc ở Chelsea thì khoản lương 130.000 bảng/tuần cũng “chỉ” tương đương với khoảng 2.000 bảng/giờ làm việc, nhưng bây giờ thì chiến lược gia 43 tuổi vẫn kiếm được chừng ấy tiền mà chẳng cần động đến một ngón tay!
Sa thải ư? Chẳng hề gì
Cuối cùng, việc bị sa thải thực ra cũng không gây ra quá nhiều hệ lụy về mặt danh tiếng đối với các HLV. Mức độ cạnh tranh trong bóng đá hiện đại là cực kỳ khắc nghiệt và không dễ để một HLV mới vào nghề có thể gây dựng được tên tuổi, do đó về cơ bản thì nguồn cung HLV ở các giải đấu lớn nói chung và Premier League nói riêng vẫn xoay quanh những gương mặt cũ, những người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc và hầu hết đã bị sa thải không dưới một lần. Vì thế, ngoại trừ những người sở hữu bảng thành tích quá tệ hại hoặc không còn muốn hành nghề huấn luyện, phần đông các chiến lược gia vẫn có thể tìm được công việc mới sau khi bị sa thải. Hãy thử lấy trường hợp của Mark Hughes làm dẫn chứng: tháng 12/2009, Hughes bị Man City đuổi việc sau khi chỉ giúp đội chủ sân Etihad thắng được 2 trong số 11 trận đấu liên tiếp ở Premier League, nhưng chỉ đến tháng 7/2010 thì chiến lược gia người xứ Wales lại được bổ nhiệm vào ghế nóng ở Fulham.
Tháng 11/2012, Hughes – lúc đó đã chuyển sang QPR – lại bị sa thải khi đội nhà đang trên đường tụt hạng nhưng ông này cũng chỉ phải trải qua cảnh “ăn không ngồi rồi” trong vòng 6 tháng. Tháng 5/2013, Stoke City lựa chọn Hughes làm HLV trưởng mới để thay thế Tony Pulis. Bản thân Pulis cũng chỉ mất 6 tháng để thoát khỏi tình trạng thất nghiệp: ông mới ngồi vào ghế HLV Crystal Palace hồi tháng trước.
Dù từng mang tiếng bị sa thải nhưng HLV Luiz Felipe Scolari hiện đang là HLV trưởng của tuyển Brazil còn HLV Roy Hodgson đang dẫn dắt đội tuyển Anh |
|